Viêm da tiếp xúc

1. Viêm da tiếp xúc là gì?

Viêm da tiếp xúc là căn bệnh phổ biến về da, là tình trạng da bị dị ứng khi tiếp xúc trực tiếp với chất kích thích hoặc chất gây dị ứng. Khi bị viêm da tiếp xúc, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu, bệnh còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ của làn da.

2. Vì sao dễ mắc bệnh viêm da tiếp xúc?

Viêm da tiếp xúc dễ mắc phải là do các nguyên nhân sau:

  • Viêm da tiếp xúc có thể xuất hiện sau khi da tiếp xúc với một sản phẩm mới nào đó, hoặc sau khi sử dụng một sản phẩm trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
  • Viêm da tiếp xúc cũng có thể do đeo trang sức có bao gồm niken, sử dụng nước hoa, mỹ phẩm, sơn móng tay, mang giày dép, các sản phẩm có nguồn gốc từ cao su, mà trong đó thành phần hóa học có chất gây dị ứng.
  • Viêm da tiếp xúc có thể cũng do sử dụng một số thuốc gây nên, ví dụ như thuốc bôi hydrocortisone, thuốc bôi kháng sinh, benzocaine và thimerosal.
  • Một trong những nguyên nhân gây viêm da dị ứng tiếp xúc thường gặp nhất được phát hiện đó là độc tố của cây thường xuân, cây sồi và cây sơn, do có chứa một loại dầu tên là urushiol.
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị dị ứng khi tiếp xúc trực tiếp với chất kích thích hoặc chất gây dị ứng

3. Chữa viêm da tiếp xúc như thế nào?

Thông thường, viêm da tiếp xúc thường khỏi sau khoảng 2 – 4 tuần không tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên với một số trường hợp thì thời gian bị viêm có thể kéo dài hơn.

Khi bị viêm da tiếp xúc, một số biện pháp sau có thể làm giảm các triệu chứng và giúp kiểm soát triệu chứng đối với người bệnh bị viêm da tiếp xúc mạn tính.

Cũng như những căn bệnh khác, để điều trị bệnh cần phải biết nguyên nhân gây bệnh. Do đó, để chữa viêm da tiếp xúc, trước tiên cần phải tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và hãy dừng việc tiếp xúc với nguyên nhân đó.

  • Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc nhẹ, có thể tắm bằng bột yến mạch hoặc dưỡng da nhẹ nhàng bằng kem calamine có thể giúp làm giảm triệu chứng.
  • Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc mức độ nhẹ đến trung bình, có thể sử dụng corticosteroid bôi ngoài da. Tuy nhiên, kem và mỡ steroid được bán sẵn trên thị trường với hiệu lực khác nhau, loại nhẹ nhất không cần kê đơn là kem hydrocortisone 1%. Các loại mạnh hơn khi sử dụng cần phải được bác sĩ chỉ định.
  • Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc nặng, có thể sử dụng corticoid dạng uống trong thời gian ngắn để kiểm soát triệu chứng.
  • Lưu ý, chữa viêm da tiếp xúc nên tránh sử dụng thuốc bôi ngoài da kháng histamin. Nếu người bệnh bị ngứa nhiều, bác sĩ có thể chỉ định uống một đợt thuốc kháng histamin.

Trả lời