1. Nám da là gì?
Melanin hay còn gọi là hắc tố là yếu tố quyết định màu da của mỗi người. Theo các nghiên cứu, melanin là một chất hấp thụ ánh sáng hiệu quả (có thể tiêu tan hơn 99,9% tia UV hấp thụ), đóng vai trò chống nắng và bảo vệ da khỏi tia UV.
Tuy nhiên, nếu được sản xuất quá nhiều sắc tố này sẽ tích tụ, tập trung tại một vùng nhất định trên da. Hiện tượng này gọi là nám da.
Nám da là vấn đề không còn quá xa lạ đối với phụ nữ, đó là tình trạng da xuất hiện những đám màu nâu hoặc màu xám nâu trên da. Nám da mặt là loại nám da hay gặp nhất, sự thay đổi sắc tố da có thể xảy ra trên da mặt, môi, trán, cằm, sóng mũi. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gặp ở những vị trí khác nhau trên cơ thể, đặc biệt là vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như da vùng cánh tay hay cổ.
Nám da thường gặp nhất ở phụ nữ 20-50 tuổi (phụ nữ trong độ tuổi sinh sản), trong đó nám da ở phụ nữ có thai và nám da sau sinh khá phổ biến. Nam giới ít khi bị nám da hơn nữ giới. Bệnh cũng liên quan đến đến địa lý, chủng tộc, màu da khi mà phụ nữ châu Á, da màu có tỷ lệ nám da cao hơn so với phụ nữ da trắng.
2. Nguyên nhân gây nám da
2.1 Nguyên nhân nội sinh
Nám da thường xuất hiện và phát triển mạnh ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các yếu tố nội sinh có thể gây nám da, bao gồm:
- Rối loạn nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nám da. Các chuyên gia nhận thấy, nồng độ estrogen suy giảm có thể khiến hormone MSH (melanocyte stimulating hormone) bị mất kiểm soát. Tình trạng này có khả năng kích thích melanin sản sinh quá mức và gây ra các mảng, đốm nám trên bề mặt da. Chính vì vậy, nám da thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai, sau khi sinh và phụ nữ tiền mãn kinh.
- Ảnh hưởng của quá trình lão hóa: Thực tế, nám da chỉ xuất hiện ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên và hiếm khi gặp ở nữ giới trẻ tuổi. Theo lý giải từ các chuyên gia, da mặt bị lão hóa có thể khiến quá trình sản sinh melanin bị mất kiểm soát và rối loạn dẫn đến sự xuất hiện của các mảng và đốm nâu ở má, cằm và mũi.
- Stress, căng thẳng kéo dài: Stress kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ mà còn là nguyên nhân gián tiếp gây nám da. Khi bị căng thẳng, tuyến thượng thận có xu hướng sản sinh nhiều hormone cortisone. Khi hormone này tăng cao, pregnenolone chỉ có thể kiểm soát cortisol và mất đi chức năng cân bằng nội tiết tố. Điều này dẫn đến tình trạng giảm/ tăng estrogen quá mức và hình thành nám.
- Chế độ sinh hoạt không đúng cách: Chúng ta đều biết rằng, giấc ngủ là thời gian khôi phục lại những mất mát tổn thương trong suốt quá trình sống của một ngày. Và cơ thể cần có thời gian để khôi phục, ngủ trễ cơ thể không có đủ thời gian để khôi phục cơ thể. Do đó, nguyên nhân bị nám tàn nhang trên khuôn mặt một phần do sinh hoạt hàng ngày. Càng lớn tuổi, da càng dễ tổn thương và khó hồi phục, nên việc thức khuya là nguyên nhân kích hoạt Melanin dưới da hoạt động, dẫn đến tình trạng nám tàn nhang.
Ngoài ra, nám da còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân nội sinh như cơ địa, ảnh hưởng của các bệnh lý buồng trứng và tuyến giáp hoặc cũng có thể là tác dụng phụ do sử dụng thuốc điều trị kéo dài.
2.2 Nguyên nhân ngoại sinh
Bên cạnh các nguyên nhân nội sinh, nám da cũng có thể khởi phát do những nguyên nhân ngoại sinh như:
- Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Tia UVB trong ánh nắng có thể kích thích tế bào melanocytes tăng sản sinh melanin và gây ra tình trạng da đen sạm, nám và tàn nhang.
- Lạm dụng mỹ phẩm chứa chất lột tẩy: Sử dụng mỹ phẩm chứa chất lột tẩy trong thời gian dài có thể khiến da mỏng và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Hơn nữa, các sản phẩm này còn khiến màng lipid bị phá vỡ và khiến da mất chức năng đề kháng. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi để tia UVB kích thích quá trình sản sinh melanin và gây sạm nám da.
Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ bị nám da cũng có thể tăng lên nếu có các yếu tố rủi ro như làn da trắng, mỏng, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất, khói bụi,…
Nhận biết nám da – Phân loại
Không giống với tàn nhang, nám da có biểu hiện khá đa dạng và không đồng nhất. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, nám da được chia thành 3 loại sau:
1. Nám mảng
Nám mảng thường xuất hiện ở vùng gò má, đặc trưng bởi các mảng lớn, nhỏ có màu nâu nhạt đến nâu đậm với kích thước và hình dạng không đồng nhất. Mặc dù có phạm vi ảnh hưởng rộng nhưng loại nám này có chân không sâu nên thường dễ điều trị hơn so với nám hạ bì và nám hỗn hợp.
Nám mảng thường xảy ra do tác hại của ô nhiễm môi trường, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng, tác dụng phụ của thuốc và hệ quả do lạm dụng mỹ phẩm chứa chất lột tẩy da.
2. Nám chân sâu
Nám chân sâu (nám hạ bì/ nám đốm) là loại nám có chân nằm ở lớp hạ bì (lớp cuối cùng của da). Loại nám này đặc trưng bởi các đốm tròn có kích thước đa dạng, màu sắc từ nâu đến nâu đậm, đen, xanh hoặc xanh xám. Nám chân sâu thường mọc ở cằm, trán và 2 bên gò má.
Nám hạ bì thường là hệ quả do rối loạn nội tiết tố và căng thẳng kéo dài. Chân nám nằm sâu bên trong cấu trúc da nên rất khó điều trị dứt điểm. Hơn nữa nếu không tiến hành chăm sóc và điều trị sớm, nám có thể đậm màu dần theo thời gian và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố tâm lý, thẩm mỹ.
3. Nám hỗn hợp
Nám hỗn hợp là sự kết hợp của nám mảng và nám chân sâu. Vì vậy chân nám có thể xuất hiện ở cả hạ bì lẫn thượng bì. Để điều trị loại nám này, cần kết hợp nhiều phương pháp và đòi hỏi phải kiên trì, tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.
Ảnh hưởng của nám da
Nám da là một dạng gia tăng sắc tố lành tính xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tương tự như tàn nhang, nám da không ảnh hưởng đến sức khỏe và không có khả năng tiến triển thành ung thư.
Tuy nhiên các đốm, mảng nám trên bề mặt da có xu hướng đậm màu và lan rộng hơn theo thời gian. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ khiến nữ giới trở nên kém tự tin và e ngại trong các cuộc gặp gỡ.