Bạn đã biết da bạn đang gặp tình trạng mụn gì chưa?

Bên cạnh vấn đề lão hóa da, mụn cũng là một “nỗi niềm” dai dẳng của phái đẹp. Những nốt mụn thường có thể “tấn công” làn da của bạn bất cứ lúc nào. Không những vậy, sự xuất hiện của mụn còn kéo theo nhiều triệu chứng phụ như viêm, ngứa và thâm. Đặc biệt, những nốt mụn sưng đỏ không chỉ “cư ngụ” trên da mặt mà còn có thể “ghé thăm” những vùng da khác của bạn như ngực, lưng, hay thậm chí là vòng 3. Hiện nay, có rất nhiều chủng loại mụn được tìm thấy, từ mụn nang, mụn ẩn cho đến mụn đầu đen…

Vậy bạn đã biết phân biệt các loại mụn chưa? Tham khảo ngay bài chia sẻ bên dưới để nhìn mặt, chỉ tên và tiêu diệt “lũ đáng ghét” này nhé!

Cách phân biệt các loại mụn

Có 6 loại mụn chúng ta thường gặp, được chia thành 2 nhóm như sau:

Phân biệt các loại mụn có thể bạn sẽ gặp phải

Nhóm mụn không viêm

1. Mụn đầu trắng (Whitehead)

Mụn đầu trắng hình thành dưới da

Mụn đầu trắng được hình thành khi bã nhờn trên da tiết ra nhiều, kết hợp với tế bào chết tạo thành “nút” gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Mụn đầu trắng có kích thước nhỏ, mọc thành từng cụm và có màu trùng với màu da, không sưng, không đỏ, không nhìn thấy rõ, chỉ khi chiếu ánh đèn trắng lên da, make up hoặc chạm vào da mặt thì mới có thể nhận thấy. Mụn đầu trắng có nhân màu trắng hoặc vàng nhạt, cứng, nằm dưới da.

Mụn đầu trắng thông thường sẽ xuất hiện nhân trắng sau vài ngày, nhưng nhiều khi nhân nằm sâu dưới da trong thời gian rất lâu (có khi đến vài tuần hoặc vài tháng) tạo thành mụn ẩn. Vì vậy, mụn ẩn thực chất là một dạng của mụn đầu trắng. Mụn ẩn thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng quanh cằm, dưới má và trán gây làm da chúng ta sần sùi và khó xử lí.

2. Mụn đầu đen (Blackhead)

Sự hình thành mụn đầu đen

Mụn đầu đen có sự hình thành giống mụn đầu trắng nhưng do nhân mụn hở, lại tiếp xúc với không khí bị oxy hoá nên đầu phía trên của nhân bị chuyển sang màu đen, ở dưới vẫn là màu trắng đục, nhân cứng.

Một số bạn bị nhầm lẫn mụn đầu đen ở mũi với sợi bã nhờn, nhưng mụn đầu đen thường có mặt tại hai bên má và trán còn các sợi bã nhờn này có nhiều tại mũi và vùng quanh mũi. Thực chất chúng chỉ là những ống rất nhỏ chứa bã nhờn (sebum) và khi da tiếp xúc với khói, bụi bẩn, môi trường không khí bên ngoài làm oxy hóa nên chúng thường có màu đen và nặn ra sẽ có dạng sợi mảnh, trắng. Đó không phải là mụn đầu đen như mọi người lầm tưởng nhưng nếu chúng ta không giữ da sạch, giúp da được thông thoáng , chúng sẽ dễ dàng gây nghẽn lỗ chân lông và biến thành dạng mụn đầu đen. Khi gặp trường hợp này, bạn nên giữ da sạch, chăm tẩy tế bào chết thì chúng sẽ giảm đi nhưng không thể hết hoàn toàn vì sợi bã nhờn này là một phần cấu trúc tự nhiên của lỗ chân lông, khó có thể tiêu biến được.

Mụn đầu đen và sợi bả nhờn

⇒ Mụn đầu đen và mụn đầu trắng tuy không gây đau đớn, nhưng nếu không xử lí sớm và đúng cách thì bã nhờn sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, lâu ngày có thể dẫn đến viêm và chuyển biến thành các dạng mụn viêm khó điều trị hơn.

Nhóm mụn viêm

3. Mụn đỏ (Papule)

Mụn đầu đen hoặc đầu trắng để lâu sẽ bị viêm, vi khuẩn tích tụ nhiều khiến vách nang lông hoặc lỗ chân lông bị vỡ, sau đó tế kiện cho vi khuẩn Propionibacterium acnes (P.acnes) sống ở nang lông sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm nặng gây tình trạng viêm sưng, tấy đỏ. Mụn đỏ (Papule) hình thành các nốt đỏ, không có đầu mụn, hơi sưng, khi chạm vào đó cảm giác hơi đau hoặc ngứa, đây thường là bước phát triển tiếp theo của mụn mủ và mụn nang.

Mụn đỏ gây đau và ngứa

 4. Mụn mủ (Pustule)

Khi Papule (mụn đỏ) viêm nặng hơn, vi khuẩn gây mụn trứng cá P.acnes phát triển gây viêm da trên bề mặt da tạo thành Pustule (mụn mủ), nói cách khác, mụn mủ là bước phát triển nặng hơn của mụn đỏ. Mụn mủ được coi là loại mụn “nguy hiểm” bởi vì chúng gây tổn thương da, viêm nhiễm và lây lan nặng. Tuyệt đối không nặn mụn mủ bởi vì rất dễ lại sẹo và vết thâm trên da.

Các nốt mụn đỏ và mụn mủ hình thành dưới da

5. Mụn u (Nodule)

Hình ảnh mụn u hình thành dưới da

Mụn u (Nodule) có mức độ viêm nặng hơn,  kích thước lớn hơn nhiều so với mụn đỏ và mụn mủ. Mụn u sưng to (như nốt muỗi đốt hoặc to hơn), cứng, chứa cả bã nhờn lẫn máu, gây đau nhức khi chạm vào. Lúc này, sự viêm nhiễm đã đi sâu xuống dưới nang lông khi lành dễ để lại sẹo lõm cho da bạn.

6. Mụn nang (Cyst)

Mụn nang (Cyst hay Cystic ) là loại mụn nặng nhất và đáng sợ nhất trong các loại mụn. Mụn nang rất to, chứa đầy bã dầu, máu lẫn mủ vàng do mụn u phát triển lớn làm vỡ nang lông gây sưng viêm nặng gây đau, nhức và khó chịu.

Vì mụn nang chứa nhiều mủ nên sờ vào thấy mềm hơn mụn u. Trong khi mụn u chỉ xuất hiện một vài chiếc đơn lẻ thì mụn nang lại thường mọc thành cụm do nang lông bị vỡ, da bị nhiễm trùng lan sâu vào tầng trung bì và gây tổn thương đến nhiều nang lông xung quanh.

Mụn nang thường để lại những vết sẹo sâu và dài vĩnh viễn vì thế bạn tuyệt đối không được tự nặn mụn nang khi nó đang phát triển, tránh làm vết vết mụn sưng to, nặng hơn và nhiễm trùng lây lan sang những vùng da lành xung quanh gây ra vết sẹo to hơn.

Mụn nang hình thành dưới da

Ngoài ra, còn có hiện tượng nấm da có tình trạng như mụn

♦ Nấm da (Fungal Acne)

Vi sinh vật gây mụn hàng đầu được thế giới biết tới là vi khuẩn. Bên cạnh đó, người ta cũng đã phát hiện một số trường hợp bị mụn do nhiễm vi nấm. Tiêu biểu trong trường hợp này là nấm Malassezia furur (còn có tên khác là Pityrosporum orbiculaire) gây viêm nhiễm nang lông dưới da. Tình trạng giống mụn trứng cá thông thường, nhưng bệnh trạng có thể kéo dài trong nhiều năm và không có đáp ứng với các loại thuốc trị mụn điển hình. Viêm nhiễm nang lông do Malassezia furur là kết quả của việc tăng sinh quá mức nấm men thường trú trên da, nguyên nhân có thể do sử dụng kháng sinh, suy giảm miễn dịch. Biểu hiện phổ biến nhất là xuất hiện các nốt sần và mụn mủ ở ngực, lưng, mặt sau cánh tay và mặt.

Mụn do nấm Malassezia furur gây nên

Những nguyên nhân thường gây ra mụn

♦ Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ

Tế bào chết, bã nhờn, khói bụi tích tụ ở lỗ chân lông và không được làm sạch đúng cách làm cho lỗ chân lông tắt ngẽn sẽ hình thành nhân mụn. Các loại mụn khác nhau là tuỳ thuộc vào mức độ viêm của nhân mụn.

♦ Các yếu tố từ môi trường

Cuộc sống càng trở nên hiện đại hoá kéo theo môi trường ngày càng ô nhiễm hơn khiến làn da càng đối mặt với nhiều mụn hơn do khói bụi và nguồn nước. Bên cạnh đó các vấn đề như thành phần trong mỹ phẩm sử dụng hàng ngày, thuốc uống (kháng sinh), các dụng cụ trang điểm như cọ, mút không được làm sạch thường xuyên, … cũng dẫn đến tình trạng gây ra các loại mụn trên.

♦ Các vấn đề bên trong cơ thể

Kể cả khi thực hiện đầy đủ các bước chăm sóc da hàng ngày, mụn vẫn có thể xuất hiện do các yếu tố bên trong cơ thể gây nên. Mụn do hormones (mụn nội tiết) do thiếu cân bằng nội tiết hoặc rối loạn nội tiết trong quá trình mang thai, stress, chế độ ăn uống không lành mạnh, mất ngủ,… cũng là các nguyên nhân gây ra mụn.

Ngoài ra khi cơ thể bị tích tụ độc tố: gan thận không thể lọc hết các độc tố từ thực phẩm thì chúng sẽ được bài tiết ra ngoài da cũng có thể làm mụn xuất hiện. Một nguyên nhân thường ít ai để ý đó là cơ thể thiếu kẽm do quá trình ăn uống hàng ngày quên bổ sung chất này. Di truyền cũng là một nguyên nhân gây ra mụn u và mụn nang.

Để lại một bình luận